Nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0

Nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0

(TBVTSG) – Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ, không chỉ với những ý niệm hay định nghĩa mà là những thành quả, những sản phẩm cụ thể. Sự phát triển của cuộc cách mạng này đang đòi hỏi cấp bách những nguồn nhân lực mới, ở cấp doanh nghiệp cũng như cấp quốc gia.

Trên thực tế đang diễn ra hai quá trình công nghệ song song: quá trình chuyển đổi số (digital transformation) trên diện rộng của toàn xã hội và quá trình cách mạng công nghiệp (industrial revolution) làm thay đổi căn bản nền kinh tế. Do vậy, nguồn nhân lực cho tương lai, cho năm 2018 hay năm 2020, sẽ dần khác đi so với yêu cầu và trình độ nhân lực hiện hữu, và điều này phải được tính đến ngay từ khâu đào tạo, tái đào tạo cũng như tuyển dụng. Thế giới đang mỗi ngày một chuyển dần vào điện toán đám mây, vào tự động hóa, và mỗi ngày một sử dụng nhiều hơn trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ học máy (machine learning), cùng các trình độ phân tích dữ liệu bậc cao. Sự thay đổi nhân lực sẽ xảy ra toàn diện, trong xã hội, trên nền kinh tế vĩ mô cũng như nơi mỗi doanh nghiệp, đặc biệt nơi những lĩnh vực có liên quan đến công nghệ thông tin hay chịu ảnh hưởng nhiều từ nền công nghệ mới này.

Cách mạng công nghiệp 4.0

Hiện tượng đổi ngôi vị trí lãnh đạo trong cách mạng công nghiệp 4.0

Những cuộc cách mạng công nghiệp không kết thúc một sớm một chiều kể cả khi đã đạt đến tình trạng bùng nổ. Nhiều công việc và chức năng cũ vẫn tồn tại, vẫn phát triển nhờ tự chuyển hóa trong khi nhiều công việc mới và cả những ngành nghề mới được tạo ra. Nhưng trong quá trình hình thành những ngành nghề mới thì một số nghề cũ không còn thích hợp với môi trường kinh tế xã hội sẽ biến mất, và cùng với đó là sự xuất hiện những sự thay đổi trong ưu đãi và tuyển dụng theo các xu hướng công việc mới. Trong nhiều trường hợp xuất hiện cả sự suy thoái môi trường làm việc, điều mà nhiều công ty áp dụng kinh tế chia sẻ đang phải đối mặt. Sự xáo trộn sẽ diễn ra trong thời gian dài cho tới khi từng sự việc được xử lý theo hướng mang lại lợi ích hài hòa cho mỗi người. Nhưng ngay bây giờ chúng ta bắt đầu cảm nhận được sự đổi tầm ảnh hưởng và đổi ngôi giữa các vị trí công việc hay lãnh đạo.

Kết quả khảo sát vừa được công bố bởi Constellation Research cho thấy trong danh sách 150 doanh nghiệp hay tổ chức có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất và tốt nhất thì chỉ có một chủ tịch – người giữ vai trò đầu tàu của cuộc chuyển đổi số. Ngoài ra, chỉ có năm người (tổng giám đốc, giám đốc điều hành) trong ban giám đốc giữ vai trò đầu tàu nói trên, chiếm gần 3,4%, trong khi đó có đến 58,5% những người ở vị trí giám đốc thông tin hay giám đốc công nghệ và 23,13% những người ở vị trí giám đốc kỹ thuật số lại là những người có ảnh hưởng lớn nhất trong quá trình biến đổi nơi các doanh nghiệp, tổ chức hay trường, viện của họ. Hai vị trí giám đốc thông tin (chief information officer – CIO) hay giám đốc công nghệ (chief technology officer – CTO) đã được xác định khá lâu và nay đang ở vị trí cấp cao trong ban giám đốc các tổ chức. Trước đây, chuyên viên về kỹ thuật số chỉ là một nhân viên thuộc quyền quản lý của vị giám đốc marketing (chief marketing officer – CMO) vì giúp cho vị này nhìn thấy được phân khúc khách hàng kỹ thuật số mà phần lớn là những người trẻ và trung niên.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2014 thì người đứng đầu bộ phận kỹ thuật số bắt đầu trở thành một giám đốc thực thụ (chief digital officer – CDO) có trách nhiệm báo cáo trực tiếp với giám đốc điều hành (CEO) như các giám đốc khác. Lúc bấy giờ công ty nghiên cứu Gartner đã dự báo đến năm 2015 thì 25% số doanh nghiệp sẽ phải kiếm cho mình một giám đốc kỹ thuật số do tầm quan trọng của người này, và do khối lượng công việc đổ về một lúc một nhiều. Constellation Research cho thấy từ chỗ một vị trí chuyên gia trưởng nhóm trở thành một giám đốc, mà vốn tuổi đời thường còn rất trẻ so với các đồng sự, thì nay tầm mức ảnh hưởng của CDO đã nhanh chóng được khẳng định, và số CDO có ảnh hưởng lớn nhất cho quá trình biến đổi doanh nghiệp đang vượt xa số CMO, chỉ chiếm 7,48% và xa hơn nhiều so với số giám đốc sáng tạo, chỉ chiếm 3,4% ngang với số các giám đốc điều hành.

Chuyên gia công nghệ số Chan Suh viết trên tờ Wired rằng: “CDO sẽ đảm nhiệm tốt nhất chức năng kỹ thuật số từ chiến lược đến hạ tầng để bảo đảm rằng chúng ta đang cạnh tranh đúng hướng và có đủ năng lực để hỗ trợ cùng nâng cao việc kinh doanh dưới tầm nhìn kỹ thuật số”.

Sự ra đời của các nền tảng tuyển dụng trong cách mạng công nghiệp 4.0

Quá trình chuyển đổi số nơi các doanh nghiệp cùng các tổ chức phục vụ cộng đồng rất quan trọng, đánh dấu sự đáp ứng cho một thế hệ mới vốn quen sử dụng Internet và mạng xã hội hơn là các phương tiện truyền thống, không chỉ cho nhu cầu truyền thông mà cho mọi hoạt động, bao gồm cả sản xuất trong các nhà máy. Chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những đơn vị hàng đầu chuyển đổi kỹ thuật số là những công ty sản xuất hay nhà máy chế tạo, lên đến 24%, và điều này không ngạc nhiên khi Internet vạn vật (IoT) đã thâm nhập vào trong hầu hết công đoạn của quá trình sản xuất bao gồm toàn bộ dây chuyền cung ứng. Các dịch vụ tài chính như ngân hàng chiếm tỷ lệ 10,67% và nhóm các nhà bán lẻ chiếm 9,33%, trong khi đó nhóm công ty công nghệ chỉ chiếm 7,33%, các tổ chức công quyền mới chiếm tỷ lệ 6,67%, nơi các công ty dược là 6%, công ty chăm sóc sức khỏe cũng như công ty truyền thông là 5,33%. Sự biến đổi kỹ thuật số ở các nhà hàng, trong ngành giao thông và cả trong lĩnh vực bảo hiểm cùng nhiều ngành nghề khác chiếm tỷ lệ dưới 4%.

Trong môi trường cách mạng công nghiệp 4.0 này, việc chuẩn bị nhân lực và đặc biệt cho hàng ngũ các nhà lãnh đạo mới đang được các nhà tuyển dụng quan tâm, mà trước hết là các nhà cung cấp nền tảng tuyển dụng. Thị trường việc làm ngày nay không chỉ là những lá đơn và những cuộc phỏng vấn mà là một hệ sinh thái có sự tương tác qua lại. Các ứng viên, đặc biệt ở những vị trí bậc cao đòi hỏi phải được tương tác với các dữ liệu doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, các công ty nhân lực cũng như chuyên viên tuyển dụng phải biết những gì mà ứng viên có, sự mong muốn, khả năng đáp ứng công việc hay vị trí và cuối cùng là sự thích ứng với hàng ngũ các nhà lãnh đạo hay những đồng nghiệp tương lai của họ. Trong nhiều trường hợp, các nhà tuyển dụng nhắm đến tầm ảnh hưởng mà ứng viên đã tạo ra trước khi ứng tuyển để suy xét cách đãi ngộ được cả hai bên chấp nhận. Môi trường việc làm mới và những sự đòi hỏi mới buộc các trang web tuyển dụng lâu nay nâng cấp lên thành những nền tảng, và đây lại là cuộc cạnh tranh gay gắt bằng những sáng kiến công nghệ giữa các công ty cung cấp nền tảng tuyển dụng, cho dù đó là một mạng xã hội chuyên nghiệp như LinkedIn hay những công ty cung cấp dịch vụ web nhân sự như Navigos Group.

Việc Navigos Group, chủ nhân của những trang tìm kiếm quen thuộc ở Việt Nam là VietnamWorks và Navigos Search, cho ra đời dịch vụ PRIMUS tại trang www.primus.vn dành riêng cho các ứng viên hàng đầu tại Việt Nam một mặt đáp ứng được yêu cầu chuẩn bị nhân lực cho nền kinh tế mới nhưng mặt khác cũng là việc nâng cao năng lực cạnh tranh của trang web theo hướng đầu tư nền tảng (platform) để đáp ứng yêu cầu của các ứng viên bậc cao cũng như các doanh nghiệp cần người, các công ty tuyển dụng và các chuyên viên nhân sự. Tại buổi lễ ra mắt dịch vụ PRIMUS, Navigos cho thấy họ đang nhắm tới cả việc đưa trí khôn nhân tạo vào công tác tuyển dụng, lẽ dĩ nhiên là trên nền tảng web, và điều này sẽ tạo nên sự khách quan cũng như tính bảo mật cho các bên tham gia vào dây chuyền cung ứng nguồn nhân lực. Ứng viên hàng đầu (top 1) ở đây được định nghĩa là những người có yêu cầu mức lương từ 3.000 đô la Mỹ mỗi tháng trở lên, và thường là ở các vị trí giám đốc.

Ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Navigos Group, nói: “PRIMUS là nền tảng web về nghề nghiệp đầu tiên chỉ dành riêng cho ứng viên hàng đầu tại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn phát triển thị trường nhân sự thông qua tầm nhìn “Thành công” sau khi gia nhập công ty mới”.

Cạnh tranh nhân lực đang nóng lên trong cách mạng công nghiệp 4.0

Các mạng xã hội nghề nghiệp nổi tiếng, từ LinkedIn đến PeopleFluent, iCIMS, Ascendify, Glassdoor, Lever, Entelo Search, Oracle Taleo Social Sourcing Cloud Service, Bullhorn Reach, Greenhouse, Jobvite Refer đang chuyển mạnh sang hướng cung cấp dịch vụ nền tảng, và các nền tảng tuyển dụng hàng đầu như Simppler, Workable, WayUp, Hired và cả Entelo Search, iCIMS đang hướng đến những ứng viên thích hợp cho sự chuyển đổi số và đặc biệt cho các doanh nghiệp đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp mới. LinkedIn là xã hội nghề nghiệp lớn nhất, nơi người ta có thể tiếp cận với hồ sơ (profile) của các doanh nghiệp cũng như của các chức danh mà một mai có thể gia nhập vào hàng ngũ các nhà lãnh đạo tại các công ty khác, nơi những người cùng chung một nhóm nghề có thể chỉ vẽ cho nhau, và nơi mà các nhà tuyển dụng có thể đưa ra trực tiếp những lời mời sau khi xem xét những hoàn cảnh mà mỗi cá nhân trải qua. LinkedIn đang sở hữu một bộ dữ liệu chính thống nghề nghiệp lớn chưa từng có, và là nơi mà các nhân viên tuyển dụng thường thăm viếng, thường kết bạn với các ứng viên triển vọng của họ.

Thông tin từ các nền tảng tuyển dụng cho thấy sự cạnh tranh trong nguồn nhân lực đang mỗi ngày một nóng trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Chuyển đổi số thực hiện quá nhanh và cuộc cách mạng công nghiệp cũng đến sớm hơn những dự báo, nhưng đây lại là hai quá trình chi phối kinh tế xã hội toàn cầu trong thời gian tới. Để có nguồn nhân lực đáp ứng cho mục tiêu khách hàng, các nền tảng đã phải đưa ra những giải pháp và cả những sáng kiến khác nhau.

PeopleFluent nổi lên như một nền tảng tuyển dụng hàng đầu nhờ vào việc trao đổi nhu cầu giữa công ty và ứng viên qua video. Ascendify biến nền tảng tuyển dụng của mình thành một cộng đồng tương tác, kể cả với những người chưa là ứng viên, và một khi thích thú với công việc nhất định nào đó tại một công ty hay tổ chức, họ chỉ cần đăng ký bằng tài khoản xã hội của họ trên trang, chẳng cần phải làm đơn từ dài dòng. Nhưng với Lever và cả Bullhorn Reach, Greenhouse, vị trí tìm kiếm của các ứng viên được tự động chia sẻ trên nền nhiều tảng khác nhau như GitHub, AngelList, hay Dribbble, và điều này thích hợp với những người lần đầu tiên đi tìm một việc làm qua nền tảng web.

Entelo Search được coi là Google Search trong ngành tuyển dụng, nơi hiện đang có 275 triệu người tham gia và để lại đó những bộ hồ sơ được cập nhật tự động bởi bộ quét trên hơn 50 trang web. Những thông tin về tuyển dụng luôn quá tải, và Entelo có phần mềm lựa chọn để giới thiệu cho người tuyển dụng hay ứng viên 50 vị trí thích hợp nhất. Một nền tảng dịch vụ gọi là Oracle Taleo Social Sourcing Cloud Service lại kết hợp thông tin xã hội với nhu cầu ứng viên để thực hiện tự động hóa tuyển dụng. Ở đây nhà tuyển dụng gửi công khai vị trí cần tuyển cho các ứng viên và phần mềm sẽ kết nối vào các mạng xã hội để tìm xem ở nơi đâu có ứng viên thích hợp nhất, một phương pháp tìm người thường được gọi là “viral job sharing.” Trong trường hợp khác, nền tảng tuyển dụng WayUp lại chỉ nhắm đến những tài năng nổi bật đang ngồi trên ghế nhà trường để cung cấp cho các tổ chức. Nhiều nền tảng tuyển dụng khác cũng thắt chặt đối tượng, ở đây các nhà tuyển dụng muốn thông qua nền tảng để tìm kiếm tài năng hơn là để ứng viên tìm đến với mình, đó là trường hợp của Hired hay iCIMS.

Nguồn: thesaigontimes.vn

About Author

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*